Sunday, March 10, 2013

... A Scent part 3: Comme des Garcons ...

   Chúng ta nhận được gì từ CdG, hãng thời trang hàng đầu có nguồn gốc từ Nhật Bản? Một chiếc vét "giản đơn" giá trên 2000 đô? Hay một đôi giày ục ịch giá bằng 2 đôi giày lóng lánh D&G các bad boy ưa show-off chập lại? Hoặc nhẹ nhàng hơn, hình thức như một hòn sỏi, nằm ì ạch "liếm" đất, bốc thứ mùi hương khác lạ và kì lạ. Giá thông thường là trên trăm đô.


   Đó là thế giới mùi hương của CdG.



   Điều thời trang đang dần thiếu. CdG luôn giàu có. Tính sáng tạo, tính định hướng táo bạo, sự khác biệt. 
   Điều mùi hương đôi lúc còn e ngại. CdG luôn khinh miệt cười mỉa, rồi tự hào "phô" ra. 



   Mùi CdG đầu tiên ra đời năm 1994, là một cú shock. Cái thời Acqua di Gio đang là mốt, Le Male đang là "hoàng hậu". Người ta chỉ có khái niệm thơm mát như gió biển, hay ngọt ngào dạt dào như va ni, thì CdG Parfum ra đời, thách thức mọi chuẩn mực, mọi định nghĩa. Người ta ngạc nhiên và khoái trá trước hình thức một lọ nước hoa giản đơn, đẹp, lạ mắt, và không chán mắt. Không bóng lóa bóng bẩy vàng ệch phô trương kệch cỡm. Nó là một cái lọ kì quặc nằm im lìm vững chãi. Khi mở nắp cái lọ kì lạ ấy ra, người ta ngạc nhiên và hít hà... Nó không va ni, không mùi nước, không gì cả. Không thể nhận ra. Đợi đã... Nó bốc mùi ma mị, quấn quít. Khác lạ. Nó ấm áp, nó dầu mỡ, nó bay bổng, nhưng nó cũng cay nồng. Người ta không thể xếp nó vào nhóm Oriental Spicy, mặc dù nó có mùi quế ấm áp. Nó cũng không thể ở trong nhóm Woody, mặc dù nó ngửi nồng nặc hương gỗ. Nó lại càng không thể ở trong nhóm aqua fresh tầm phào thiếu trưởng thành, hay nhóm floral yếu ớt. Nó chẳng nằm ở đâu cả. Bởi nó khác lạ. Nó không giống ai. CdG Parfum cá tính. Trong một biển những thứ mùi giả tạo man mát thơm thơm dễ lẫn ấy, CdG Parfum series trụ vững và phát triển một cách bền bì chung thủy. Và chẳng giống ai.


1. Haiku ...
   Đó là điều tôi mường tượng khi ngửi đứa em thứ hai ,ra đời sau CdG Parfum 5 năm, mang tên CdG 2. Vẫn là hòn sỏi nằm im lìm. 2 được tráng lớp bạc lạnh lẽo. Trên đó có hình 2 được cào xước một cách cẩu thả. 2 mùi hoa cỏ ngào ngạt, Nhưng lẫn trong đó là một vị gì đó kì lạ. Và rất "chóe". Lãng mạn nhưng xúc tích. Ngắn gọn nhưng dạt dào. Thứ mùi dày vừa phải. Nhưng lại cho người ta cảm giác gợi mở. Hệt như một bài thơ Haiku. 
   Ngửi đi ngửi lại. Người ta vẫn không thể nhận ra được vị chóe bùng nổ ấy. Cho đến khi "hạ mình" google thử cái info của CdG 2. Hóa ra, CdG táo bạo nhét cả mùi...mực viết cổ truyền của Nhật vào trong 2.
Kết quả là gì, truyền thống cũng có mùi hương riêng của nó. Thăng hoa, trường tồn và đẹp đẽ.
Thăng hoa để rồi nhận ra điều gì?
  CdG tiếp tục cuộc hành trình chinh phục những note mùi kì lạ và ( hầu như ) không thể được coi là thơm để tạo ra những mùi hương khác hẳn. Thơm. Theo cách không đơn thuần chỉ là thơm.


2. Mùi của các tín ngưỡng, các nền văn minh 
   CdG Series 3 Incense. Với 5 chủ điểm:Avignon, Jaisalmer, Kyoto, Ouarzazate và Zagosk.
   Trước series 3 là 2 series gồm Series Leaves chuyên các mùi lá như mùi trà mùi bạc hà... và Series Red chuyên các mùi cây-quả-hoa màu đỏ. Series 3 với ý tưởng ngông cuồng: tóm gọn các nền văn minh tín ngưỡng vào 5 mùi hương. Và chủ điểm của 5 mùi hương này sẽ là hương gỗ trầm xuyên suốt.
   Avignon, tên một thành phố nằm ở phía nam nước Pháp, từng là nơi đạo Thiên Chúa giáo phát triển tạo ảnh hưởng lớn mạnh từ hồi thế kỉ 14. Avignon là mùi hương của kiến trúc gothic, với những nhà thờ tĩnh mịch mái vòm cao và vang, của những chiếc cửa nhà thờ gỗ mun đen đặc vững chắc... Tôi đặc biệt yêu mùi gỗ trầm trầm lắng thăm thẳm này.
   Jaisalmer, hay " Thành phố vàng", tên một thành phố cổ xưa của Ấn Độ, từng là nơi giao thương giữa Ấn Độ và Ai Cập. Vậy nên chẳng ngạc nhiên khi ta ngửi được "sự tấp nập" của những quế, tiêu, của những loại gỗ quý... Ấm áp và sâu thẳm. Đó là mùi của Jaisalmer- Hindu.
   Kyoto, đây có lẽ là cái tên quen thuộc nhất trong năm cái tên. Cố đô của Nhật. Mùi của chùa chiền châu Á. Mùi của Zen, của sự thanh khiết thanh tịnh. Mùi của sự giải phóng, của những bài học dung dị mà thấm thía... Tĩnh lặng và uyên bác. Trong 5 mùi, có lẽ Kyoto là mùi ngửi "giản đơn" nhất, mà cũng là mùi được yêu thích nhất.
   Ouarzazate, hay "Lửa sa mạc", tên một thành phố cổ của Morocco, tượng trưng cho sự hưng thịnh của đạo Hồi. Ở Ouarzazate, chúng ta gặp sự ấm nồng âm ỉ của các loại gia vị Ai Cập, sự tươi mát lành mát của thảo dược Morocco. "Xanh" và cháy bỏng. Có thể coi, Ouarzazate là mùi hương ấn tượng nhất trong series Incense. 
   Zagorsk, tên một thành phố của Nga, tượng trưng cho đạo cơ đốc. Zagorsk mùi không khốc liệt hay mạnh mẽ. Zagorsk là thứ mùi nhẹ, mùi của ánh sáng, mùi của những tu viện chìm trong tuyết trắng, mùi của những rừng cây gỗ thông yên bình và sâu thẳm...

3. Và ...
   CdG còn có mùi của Soda, của ga ra, của chiếc áo mới giặt, mùi của chiếc máy photocopy, mùi của pin, của hồ dán, của kim loại đang nóng chảy, mùi của vàng... cho đến mùi của H&M, mùi của đồ gỗ, mùi của celebrity...
   Từ năm 1994 cho đến thời điểm hiện tại, CdG sáng tạo hơn 60 mùi hương. Ngông cuồng và không thể đoán trước.


   Và, cuộc chơi của CdG, hẳn là còn tiếp diễn. Một cách bùng nổ và thăng hoa. Chứ không chỉ dừng ở con số 60 khiêm tốn vậy.

Saturday, March 9, 2013

‎... A Scent part 2: Serge Lutens ...



   Cùng với Creed, có lẽ Serge Lutens là nhà niche perfume quen thuộc với những người yêu nước hoa.

   Với Serge Lutens, chúng ta nên bắt đầu từ đâu? Hãy bắt đầu từ chính cái tên Serge Lutens. Tên người, và được đặt cho dòng nước hoa của riêng ông, do ông tự do sáng tạo, và được Shiseido quản lý. Vậy nên không khó để có thể thử nước hoa của Serge ở các cửa hàng Shiseido ở khắp Việt Nam. Khoảng trên dưới 10 mùi hương tuyệt hảo. Được tư vấn bởi các nhân viên Shiseido, không biết khoản son phấn có kiến thức không, chứ khoản mùi hương thì các em bán hàng có kiến thức rất nực cười. Hoàn toàn không có chút khái niệm sơ đẳng nào về thứ mùi rất tinh tế và đặc biệt mà các em ( được may mắn ) bán và xịt thử miễn phí. Ví dụ: Tên nước hoa là Clair de MUSC, thì được một em Shiseido đọc là Cle đờ...MUSIC :)) Cám cảnh hơn, nhiều cửa hàng Shiseido ở Việt Nam, do quá trình bảo quản hàng tester không tốt, nên nhiều mùi của Serge bị ngả màu, bị biến mùi, thành thứ mùi hương kì quặc quai quải rất khó định dạng. Tuy nhiên, cũng có điểm may mắn là, Serge ( đã từng ) được bán ở Việt Nam với một cái giá rất hợp với phong cách Serge, tức là rất ngọt ngào, rẻ hơn hẳn nếu bạn mua ở Mỹ ( tầm 120đô một lọ ) hay Paris ( tầm 79euro cho 50ml bottle ).

   Đọc đến đây, có người tinh ý nói người type lạc đề. Mình xin nhận khuyết điểm. Serge Lutens sinh năm 1942, tại Pháp. Ông là một con người đa tài trong lĩnh vực thời trang. Ông là nhà tạo mẫu tóc, đạo diễn phim, thiết kế thời trang, nhiếp ảnh gia...từng cộng tác cùng Vogue, Dior, Shiseido... Sau đó, cùng với parfumeur Christopher Sheldrake, bộ đôi Serge Christopher đã góp thêm vào kho tàng mùi hương những mùi hương mới quyến rũ, sâu thẳm, dẫn dụ, sang trọng, ngọt ngào, bay bổng, và khó cưỡng...

   Nếu nhìn ảnh bộ sưu tập nước hoa dưới đây, có thể bạn sẽ nhận ra ngay số lượng áp đảo nước hoa của Serge. Trên dưới 10 mùi. Quá nhiều cho một nhà nước hoa trong một bộ sưu tập cá nhân. Trừ khi các mùi ấy nó phải đa dạng, phải khác biệt, và phải đáng để bỏ ít nhất 100đô cho một lọ 50ml xinh xinh. Vậy, chỉ với 2 người đàn ông, tại sao lại có thể sáng tạo nhiều hơn 30 mùi hương, mà hầu hết trong số đó, đều được đánh giá cao, đều được ưa chuộng, đều khiến những người say mê mùi hương phải "nghiện"? 


   Serge có gì?

   Honey

   Từ hồi nhỏ, mình đã dị ứng với hai loại mùi. Mật ong và...vanille. Cho đến hiện tại, khi rất nghiện hai thứ mùi ngọt ngậy này. Mình nhận ra, mật ong và vanille trong nước hoa hoàn toàn khác thứ mật ong đóng chai ở nhà, thứ vanille ngào ngạt dùng để cho vào các món chè được bán ở phố Hàng Bồ.
Người ta nhận ra Serge, bởi khả năng kết hợp mật ong với các loại mùi khác, để tạo ra nhiều loại mùi mới hoàn hảo. Và Chergui có thể coi là một trong những sáng tạo tuyệt đẹp của Serge. Loại mùi khiến người ta mường tượng đến ngọn lửa ấm áp nhảy nhót giữa sa mạc đêm đen lạnh lẽo thăm thẳm. Loại mùi khiến người ta cảm nhận được sự tươi mát hệt như giữa sa mạc ban ngày nắng gắt chát chúa bỗng nhiên hiện ra một ốc đảo tràn trề nước ngọt tinh khiết. Chergui có mật ong, có thuốc lá, có musc, có woody notes, có mùi trầm...kệt hợp khéo léo và hòa quyện đến mức nếu chỉ vài cái hít hà ban đầu, bạn khó có thể nhận ra bất kì một mùi riêng lẻ. Hệt như một bản nhạc đẹp, có độ phức tạp vừa phải, và đủ để người ta càng nghe càng nghiện, càng nghe càng nhận ra từng nốt nhạc riêng lẻ đều có cái duyên riêng của nó... Với Chergui, người ta thích thú bởi trong cái ấm lại có cái lạnh, trong cái khô lại có cái ướt át, có sự giao thoa của ngày và đêm, có sự mềm mại tinh tế và sự bùng phát dữ dội...
   Ngoài Chergui với vị mật ong tươi mát ngọt ngào, không thể không nhắc đến Furmerie Turque với vị mật ong chan chát. Furmerie Turque không dễ ngửi và mượt mà như Chergui. Khi mới xịt FT, người ta có cảm giác như bị đánh bật, bị xô ngã. Bởi openning notes của FT quá mạnh, quá nhiều gỗ, quá nhiều ngọt, quá nhiều vị đắng, quá nóng. Hệt như một vết bỏng trên da. Nhưng, đừng quá dại dột để ấn tượng đầu tiên sơ sài đánh lừa bạn, "chiêu trò" quen thuộc của các nhà làm nước hoa designer hay sử dụng. Điển hình như Gucci by Gucci pour homme có openning notes ngửi "ngon" bởi mùi lá thuốc tươi trộn các vị gỗ vừa phải tạo cảm giác chơi chơi và sang sang, nhưng sau đó, Gucci by Gucci hiện rõ bản chất là loại mùi nhạt nhẽo và chết yểu... Quay lại với mật ong chát, chỉ khoảng 20 phút sau, FT bớt độ xù xì, FT bừng sáng và tỏa sáng, mê hoặc bạn bởi vị mật ong kết hợp với mùi gỗ làm tẩu thuốc ( rất mới lạ phải không? ) ngọt chát. Sâu, lạ, nam tính, ngọt vừa phải, chát vừa phải... FT đem lại cho người ta định nghĩa mới về sự ngọt ngào của mùi hương. Khi người ta nhận ra được, hóa ra, vị chát cũng có cái ngọt rất riêng của nỏ...



   Gia vị

   Ả-rập. Cái tên có gợi cho bạn chút mường tượng gì không? Serge rất thích mùi của các loại gia vị. Và không ở đâu, các loại gia vị lại đa dạng và danh tiếng như ở Ả-rập, ở các nước phương đông. Serge mê mẩn Ả-rập, và Serge trân trọng tình yêu này. Arabie chính là kết tinh của tình yêu đó.
Ngay từ lúc xịt lên da, Arabie vụt đưa người ta đến một con đường sâm sẩm tối, lổn nhổn đá. Lạnh lẽo và hoang vắng. 2 dãy nhà bên đường đóng im ỉm. Ta đi bộ vô hướng cho đến khi nhận ra có ánh sáng le lói phía xa xa... Như bị thôi miên, ta trốn chạy cái lạnh hoang vu đang vây bủa, để bất chợt nhận ra ta đang ở giữa điểm sáng le lói ấy. Cái lạnh bị nhốt . Phía trong, căn nhà lát gỗ, ánh nến ấm áp. Mùi gỗ thơm thoang thoảng. Ta chợt thấy ấm áp. Bởi mùi quế mỏng mảnh như như những sợi len li ti đang bay bổng quấn quanh ta, xua mọi giá lạnh... Ta đang được ủ ấm bằng một chiếc áo của hương thơm...

   Hương hoa

   Nước hoa. Tức là...hoa và nước. Hầu hết các mùi hương đều phải có floral notes. Phần đông các mùi hương mùi hương chủ đạo là mùi của các loài hoa. Các mùi hoa "được" lạm dụng đến phát nhàm. Từ mùi nước rửa bát, nước lau nhà, nước ngâm vải, nước gội đầu, nước tắm, dầu gió, nến thơm, khử mùi, cho đến các mùi nước hỏa rẻ tiền, các mùi nước hoa designer, các mùi niche... Trong số các mùi hoa, có lẽ mùi oải hương ( lavender ), giống một người con gái đẹp, bị người ta "hiếp đáp" nhiều nhất.
   Serge, với Gris Clair, mùi chủ đạo là oải hương. Liệu Serge sẽ là người hùng giúp Oải Hương lấy lại danh giá, hay sẽ là một tiểu nhân làm nhục tiếp Oải Hương? Gris Clair, nghĩa là Xám Sáng. Tương phản. Lạc quan. Tinh tế nhận ra được vùng xám thực chất rất sáng. Một cái tên ngắn nhưng đẹp và gợi hình. Gris Clair mát lạnh. Nhưng chỉ có thể dùng vào những ngày trời mát mẻ, thậm chí là vào mùa đông rét buốt. Đó là cái đẹp lạ lùng của Oải Hương trong Serge. Dùng cái lạnh để xua tan cái giá. Và không ngạc nhiên và quá lời nếu coi Gris Clair là mùi hương Oải Hương đặc sắc và khác biệt, sang trọng và cuốn hút, trong sáng tỏa sáng...

   Nếu kiên nhẫn đọc đến đây, thế nào cũng có người thắc mắc, vậy rốt cuộc, mùi hương của Serge dành cho ai? Nam hay nữ?
   Câu trả lời rất đơn giản thôi: Mùi hương của Serge dành cho ai biết yêu và trân trọng cái đẹp. Và cái đẹp thì không chỉ phụ nữ mới biết thưởng thức, phải không?

Saturday, March 2, 2013

... Review: A better vetiver the first: Lush Breath of God ....



   ... Sẽ sao đây nếu Thượng Đế thích nhai kẹo cao su, nhấm nháp cỏ vetiver, nhẩn nha đốt vài mẩu gỗ trầm, và thở ra hơi thở khi tươi mát vị nắng mới khi lại trầm khàn như màn đêm? ...




   London không chỉ có "đặc sản" là nữ hoàng Elizabeth, tháp đồng hồ Big Ben, khu "chơi bời" Soho, thời trang AllSaints... mà còn có "của hiếm" Lush.

    Lush là gì?

   Hệt như một căn nhà sặc sỡ toàn kẹo bánh. Lush cực dễ nhận diện. Khởi điểm từ London. Giờ Nhật Hàn Pháp Nga đều sực nức mùi Lush. Lush chuyên đồ dầu gội dầu tắm các thể loại kem bôi này nọ hand-made và thân thiện với môi trường. Cụ thể hơn, thân thiện và "kẹo bánh" thế nào, có lẽ tôi sẽ có một bài riêng về nhà mỹ phẩm sáng tạo và super-kawaii này. 

   Trong mỗi cửa hàng Lush, đều có một góc nhỏ xinh. Ở đó, có vài lọ đen đen im lìm. Hình thức không mấy bắt mắt. Nhìn nửa như mấy lọ sơn móng tay lại như con quay cho con trẻ. Đó là nước hoa của Lush. Vài chục mùi vani có hoa cỏ có buồn có vui có lạ lẫm có mà tươi vui có. Và ở đó, có Breath of God, Hơi thở của Thương Đế, một mùi hương kì lạ, sáng tạo, kì bí, đẹp, và rất đẹp.

   BoG là hợp thể của hai mùi Inhale ( hít ) và Exhale ( thở ). Hít và Thở được Simon Constantine, "bộ não" của Lush sáng tạo sau một chuyến hành hương về Tây Tạng. Hít là mùi của sự thanh khiết trong lành, mùi của sự sống hồi sinh và lạc quan mơn mởn. Hít có mùi dưa hấu rất thật, mọng nước, tươi, kết hợp cùng một vài note hoa khác. Tạo nên một bình minh rười rượi và bừng sáng. Thở thì lại đối nghịch. Nó mùi của buổi chiều tà, trầm lắng, nhưng thảnh thơi và rộng mở. Thở có mùi cỏ vetiver xanh ngái trộn với gỗ trầm nghi ngút. Tuỳ vào tâm trạng và sở thích, bạn có thể "mặc" Hít, hoặc mặc Thở. Bản thân mỗi mùi đều là một sáng tạo hoàn chỉnh và mới lạ. Tôi có cách này, cũng vui, đó là mỗi bên cánh tay, tôi "quết" một mùi. Hít và Thở hoà quyện, đôi lúc sáng bừng, đôi lúc trầm lắng. Hệt như một cuộc hành trình nhỏ nhưng thú vị và bất ngờ. Hít và Thở là dòng nước hoa bán rất hạn chế, chỉ có một vài hàng Lush ở Anh mới bán, cụ thể là một hàng Lush ở Convent Garden. Đây cũng là hàng Lush yêu thích của tôi ở London.

   Và, Simon đã hợp nhất Hít và Thở, một cách tài tình, không thêm không bớt, không lệch không chệch, tạo nên BoG, mùi hương vetiver kì lạ, đa diện. Đó là loại mùi vetiver mà bạn chưa từng gặp. Không phải vetiver ngai ngái xanh quen thuộc, cũng không phải loại vetiver ngửi hơi "dầu gió" lại hăng thuốc lá, cũng không phải vetiver kem kem, hay vetiver gây gây da thuộc. Đây là loại vetiver biến ảo nhất mà tôi từng được thử. Loại mùi khiến bạn phải hít sâu, và thở mạnh, để...còn có sức hít sâu tiếp. BoG lúc đầu ngửi ngon như mùi một viên kẹo cao su vị dưa hấu, sau lịm dần, nhặt đâu đó note hoa dìu dịu dễ chịu rải rác. Tiếp, note hoa "xanh" dần, khi vetiver xuất hiện, ấm áp và gần gũi, và gỗ trầm lẩn khuất... Tôi yêu Tây Tạng, xót xa trước những gì bọn Tàu xúc phạm đến miền đất thiêng này. Chưa từng được đặt chân đến Tây Tạng, tôi chỉ được xem nhiều tấm hình, và đọc vài cuốn sách về nơi đây. Tôi cũng không rõ BoG có thực sự là mùi của Tây Tạng không, nhưng tôi có thể hiểu và cảm nhận được tình yêu thật rất thật của Simon dành cho vùng đất Phật này. Bởi BoG thực sự là mùi hương đẹp. Rất đẹp...
Lush and ChQcQ





   Tổng hợp lại:

   Lush Breah of God: 4,5/5

   Độ bám mùi: 4/5

   Độ toả mùi: 4/5

   Sự phát triển của các note: 4/5