Friday, September 26, 2014

... Q.,'s review: Comme des Garcons với tôn giáo Avignon ...


   Avignon lên da tôi như đa số mùi hương khác: ngùn ngụt. Cảm giác như đang rơi vào một... Hm... Nói thế nào nhỉ? Phòng để đồ thờ của một gia đình. Avignon đưa tôi về quá khứ, giống như hồi còn nhỏ, chui vào gầm tủ thờ của bà ngoại. Những cơn sóng trầm hương dồn dập, đập thẳng vào khứu giác, kéo tôi về hiện tại. Avignon không gợi nhắc gì tới nhà thờ hay đền đài, chỉ làm tôi nhớ tới một bộ phim Việt Nam đã xem từ cách đây rất lâu, với câu thoại “Cả một thị trấn, cả một thị trấn vàng mã!!!” với tiền giấy hương đèn bay khắp nơi. Hiện tại, tôi nhớ ra tôi không ngồi một mình. Tôi thấy ChQcQ ngồi đối diện tỏ ra sắp chết ngốt. Tôi biết đã đủ đô. Ra ngoài thôi.




   Phóng xe trên đường cỡ 20 phút, tôi rúc vào một pub quen thuộc ở ven Hồ Tây. Ở đây, mùi trầm hương mềm ra, đủ cho người ta cảm thấy dễ thở, và đủ để bắt đầu gợi nên những liên tưởng khác. Một khung cảnh trang nghiêm, thành kính bày ra bởi những lớp mùi hương vấn vít: Một nhà thờ vắng người. Những đường nét cổ kính, những ô cửa kính màu, những bức bích hoạ. Thoáng chừng một tu sĩ cầm quả cầu trầm hương lăng qua lăng lại thả bước trong thánh đường. Một cuốn sách bìa da trên đầu gối, tôi ngả đầu ra sau tận hưởng không khí đó, cho phép mình phút thoát tục hiếm hoi. 










   Chắc chắn mùi của Avignon không phải là mùi của đền chùa, vì hương trầm nơi đền chùa miếu mạo thanh tịnh hơn, và cũng thanh thoát hơn. Ở Avignon, người ta cảm thấy một sự nén ép nhất định: không khí nặng nề tràn ngập, không có sự giải thoát về mặt tinh thần, phần nào giống với cảm giác khi bước chân vào một nhà thờ trong một bộ phim Hollywood. Cảm giác như giáo sư Langdon chuẩn bị chạy qua bạn vậy, thế nên hãy chầm chậm mà tranh thủ thư giãn ngay lúc này, ngay khi còn kịp. 




   Một cảm giác khó gọi tên ngay từ lần đầu tiếp cận.




   Không thể nào gọi mùi của Avignon là “thơm”. Nó toả ra một thứ mùi hương ấn tượng, nhưng theo một cách cực kỳ khác biệt – dị biệt. Lần thứ hai tôi full wear Avignon, và ngay lập tức, cái thứ cảm giác khó gọi tên trước đây hiện lên: cái thứ cảm giác quyền lực đến từ một thứ gì đó xưa cũ, một cảm giác quyền lực khác với “sang chảnh” hay “tinh tế”. Tôi gọi đó là cảm giác tới từ thần quyền – cảm giác mình như một vị giáo chức Công giáo La Mã: cổ xưa, quyền quý, phảng phất trầm hương, hoắc hương và xạ hương. Thoảng chút mùi cúc La Mã, mùi hạt tiêu kéo gần người ngửi lại, nhưng vẫn có một thứ vòng bảo vệ vô hình nào đó xung quanh.










   Chợt nghĩ ra, tại sao lại là Avignon mà không phải là Vatican. Vatican là kinh đô Công giáo La Mã hiện tại, giờ hào nhoáng, và hiện đại hơn những gì CdG thể hiện. CdG thể hiện, lại một lần nữa ta nhắc tới Langdon và Dan Brown, một thời kỳ Giáo hoàng về ngự tại Avignon – thời của Clement V đầu thế kỷ XIV. Một thứ thần quyền cổ xưa hơn. Một mùi hương của cả 700 năm lịch sử.



   Để nói gọn lại sau chút dông dài, thì CdG Avignon là mùi hương trầm đáng giá để thử, nhất là nếu bạn mê đắm với note trầm hương như tôi. Hoặc nếu bạn tin rằng mùi hương bản thân nó cũng có một hàm lượng văn hoá trong mình, cũng như tôi vẫn luôn tâm niệm. 

... Review: “Thú dữ” của Dior...



   Dior có bộ sưu tập mùi hương kín đáo, sáng tạo, và cá tính, mang tên La Collection Couturier Parfumeur. Thú Dữ nằm trong bộ sưu tập này. Bộ sưu tập mùi hương chỉnh chu và được bán giới hạn ở một vài cửa hàng Dior, ở một vài nước, với cái giá đắt hơn những mùi hương thông thường.

   Thú Dữ tên thật là Leather Oud, mùi hương có hai note chính là da thuộc và gỗ oud. Trước Dior, từng có rất nhiều nhà nước hoa làm mùi hương theo phong cách combo da thuộc + oud. Khởi nguồn từ các nhà làm mùi hương xa xôi xứ Trung Đông, vốn có truyền thống dùng gỗ oud và yêu mùi da thuộc. Sau có nhà Montale tại Pháp có công đầu phổ cập Oud cho giới yêu mùi hương. Oud thành cơn sốt trong suốt gần 10 năm qua. Hiện tại, những tên tuổi quen thuộc có làm combo da thuộc + oud phải kể đến Guerlain với Songe d'un Bois d'Ete, Versace với Oud Noir pour Homme, Ferrari với Essence Oud for Men... Tuy nhiên, tôi không chọn Giấc mộng gỗ mùa hè của Guerlain, hay những mùi oud +da thuộc quen thuộc đến nhàm chán của các nhà nước hoa khác, mà chọn thú dữ Leather Oud của Dior. Lý do?





   Các hãng nước hoa làm combo da thuộc+oud một cách “ngựa” và thô, mạnh bạo và dày vò mũi người ngửi. Mùi hương theo phong cách này thường bị rơi vào tình trạng thô lỗ hỗn loạn tấn công dồn dập cả người xịt lẫn những người xung quanh. Nhiều hãng quan niệm, dường như đã động đến da thuộc là phải mạnh bạo da thuộc, da thuộc trộn oud là phải nghi ngút đến không thể kiểm soát, có như vậy người ngửi mới biết đó là da thuộc + oud, mới thấy được chất Trung Đông khắc nghiệt hoang dã trong mùi hương. Tôi không nghĩ vậy. Nếu bạn ở Trung Đông, bạn phục vụ khách hàng địa phương vốn quen với dạng mùi bốc tỏa khốc liệt và hoang dại, mùi hương của bạn “thú tính” thì không có gì đáng phải nhăn mũi. Tuy nhiên, khi bạn ở Pháp, ở Ý, và bạn “câu” nguyên sự hoang dã Trung Đông vào mùi hương dành cho đối tượng khách nơi này, tôi không đánh giá cao sự cứng đầu ấy. Thật may, Dior tinh tế, chứ không cứng đầu.





   Tôi xịt Leather Oud, mặc định một suy nghĩ cấm cảu rằng mùi hương chả khác gì những combo da thuộc + oud khác. Sớm sau đó, tôi nhận ra mình đang mỉm cười. Tôi quyết định, tôi sẽ kể cho bạn nghe về Thú Dữ theo lối đường vòng. Sau 8 tiếng, mùi hương trên da là hương gỗ oud khô mằn mặn, gợi cảm giác muối muối như mồ hôi, lại sáng và như có mùi hồng, quyện với da thuộc nhè nhẹ gợi cảm giác da thịt. Tất nhiên, chớ dại dí sát mũi ngửi Leather Oud, bạn sẽ thấy mùi hương còn có vị...khai khai xuyên tận óc. Nếu ngửi xa, bạn nhận ra Thú Dữ có lớp lông mượt như nhung, lại e dè phả ra sức nóng như một làn khói mỏng. Lúc này, Leather Oud vừa thuần phục, nhưng vẫn còn đó chút hoang dã. Leather Oud bền bỉ song hành cùng người chủ, hoàn toàn là mùi hương-sinh vật đẹp một cách khác lạ. Thật khó để phân định mùi hương nghiêng về giới tính nam hay nữ. Có người nói Thú Dữ quá dữ tợn và dị hình. Tuy nhiên, trên da tôi, thật may mắn, mùi hương quấn quít và không có một chút gì khơi gợi đến “ngựa” hay hung dữ cả. Lúc này, Thú Dữ trở nên hiền hòa, nằm sát trên người chủ, quẩn quanh và trung thành. Qua đêm cho đến sáng, chủ nhân Leather Oud vẫn nhận thấy sinh vật kì lạ ấy toát ra sự thu hút kì lạ và sống động... Đê mê với cảm giác Thú Dữ đem lại, tôi nhớ lại lúc đầu khi “chạm mặt” Leather Oud. Một xịt lên da, Leather Oud biến da dẻ quần áo người mặc thành lớp da thuộc vàng khé, khói từ đâu ùa tới, tạo thành những vệt cào sắc màu xám trên da. Thú Dữ xuất hiện, cuốn lấy chủ nhân một cách mạnh mẽ và uyển chuyển. Cảm giác choáng ngợp, tựa như Thú Dữ muốn nuốt lấy người chủ, muốn thị uy và khiến người ta phải khiếp sợ. Tuy nhiên, cảm giác ấy chợt đến rồi tan biến lúc nào không hay, bởi Leather Oud của Dior không hoang tàn dãy dụa. Thực ra, Thú Dữ không nguy hiểm, mà đẹp và hiền hòa, đến rồi phủ phục quanh chủ nhân. Da thuộc vàng khé dần đậm màu, lớp khói xám chắc tựa gỗ rủ dần xuống, ám vào lớp da, nhuộm da thuộc thành một màu sậm và mượt mà, phủ lên da thuộc vị gỗ hun khói mằn mặn tựa mồ hôi...





   Tóm lại, Leather Oud của Dior gợi nhớ đến một cuộc hành trình, giống một câu chuyện kể lôi cuốn hơn là một mùi hương đặc sệt Trung Đông. Dior tinh tế và khéo léo khi Paris hóa combo da thuộc-oud dữ tợn không chừng mực thành Leather Oud tuyệt đẹp và lôi cuốn.


   Tổng hợp lại:
   Leather Oud của Dior: 4,5/5
   Độ bám mùi: 4,5/5
   Độ tỏa mùi: 4/5
   Sự phát triển của các note: 3,5/5